Nằm trong cụm công trình biểu tượng tại dải trung tâm thành phố hoa phương đỏ, di tích Đền Nghè là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách và cư dân địa phương đến thăm quan, dâng lễ. Tuy không sở hữu quy mô quá đồ sộ nhưng công trình này sở hữu nét kiến trúc cổ xưa vô cùng đặc sắc, mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống.
Lịch sử hình thành và xây dựng đền Nghè
Ban đầu, Đền Nghè chỉ là một ngôi miếu tranh nhỏ có tên An Biên cổ miếu, được người dân làng An Biên lập để thờ nữ tướng Lê Chân – vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược (năm 40 – 43 sau công nguyên), người có công khai phá và lập nên ấp Vẻn, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay. Đến năm 1919, miếu được tu sửa và xây dựng khang trang, mang phong cách kiến trúc đặc trưng của nhà Nguyễn những năm đầu thế kỷ XX.

Nét đặc sắc trong kiến trúc đền Nghè
Cấu trúc của đền Nghè bao gồm: tam quan, bái đường, hậu cung, thiêu hương, giải vũ, tứ phủ, nhà bia và nơi đặt tượng ngựa đá, voi đá. Cổng đền được xây dựng theo kiến trúc tam quan, tượng trưng cho “hữu quan”, “không quan” và “trung quan” – ba cách nhìn theo quan niệm Phật giáo, cũng mang ý nghĩa phân chia thứ bậc dành cho vua, quan văn và quan võ về thăm đền trong các dịp lễ lớn. Việc sắp xếp bố cục các khu vực tuân theo nguyên tắc phong thủy, đảm bảo hài hòa, cân đối, cảnh quan cây xanh trong khuôn viên đền thờ góp phần đem đến cảm giác thoáng đãng, mát mẻ, thanh tịnh cho không gian thờ cúng.

Điểm nhấn đặc sắc trong thiết kế kiến trúc đền Nghè chính là những hình tượng long, ly, quy, phượng, đào, lựu, sen, chanh,… được chạm khắc tinh vi, cầu kỳ trên chất liệu gỗ và đá, mang ý nghĩa phong thủy và có vai trò tô điểm cho mái ngói, cột, kèo, xà, cánh cửa. Có thể nói, kỹ thuật chạm khắc bong hình, chạm nổi và chạm chìm ở công trình này đã đạt đến độ tinh xảo.


Tòa bái đường với 5 gian được nâng đỡ bằng 24 cây cột gỗ lim, kê trên 24 viên đá tảng được mài giũa, gọt đẽo tỉ mỉ, công phu. Khu vực tiền bái treo khánh đá chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt ở mặt trước và hình mây bay, sóng nước ở mặt sau. Tòa thiêu hương được xây dựng theo kiến trúc hai tầng với phần mái cong vút hướng lên trời, bên trong đặt sập đá lớn chạm trổ hình thù đẹp mắt.

Hai bên thiêu hương là giải vũ, gồm 3 gian mỗi tòa. Sau tòa chính điện là hậu cung, gồm 3 gian với thiết kế 2 tầng mái, bên trong đặt tượng Nữ tướng Lê Chân ngồi trên ngai đặt chính giữa, 2 bên là bàn thờ song thân của bà. Chồng diêm của hậu cũng được trang trí với những bức phù điêu đắp nổi mô phỏng Trưng Vương dấy quân, Ngô vương đề cờ,…

Đối diện với tòa chính điện, bên kia sân đền là nhà bia được xây dựng theo kiểu dáng long đình tạc từ thời Nguyễn, chính giữa là tấm bia đá khắc tiểu sử và thành tựu của nữ tướng Lê Chân. Hai bên nhà bia đặt tượng voi đá, ngựa đá chạm khắc vô cùng tinh xảo.

Dấu ấn kiến trúc đặc sắc của đền Nghè còn được thể hiện ở điện Tứ phủ, nơi thờ phụng các vị thần cai quản trời, đất, sông, núi.

Lời kết
Với những giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, di tích lịch sử đền Nghè được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, trở thành biểu tượng tâm linh và niềm tự hào của người dân đất Cảng. Hàng năm, vào những dịp lễ tế, ngày sinh và ngày giỗ của nữ tướng Lê Chân, Ban quản lý đền lại tổ chức các sự kiện lễ hội đặc sắc để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao của vị tướng tài ba của thành phố.
Nguồn tham khảo: https://haiphongnews.gov.vn/