Bằng cách thực hiện các quy trình tái chế nghiêm ngặt, việc tận dụng các vật liệu đã qua sử dụng là một phương án lý tưởng giúp tối ưu chi phí xây dựng và bảo vệ môi trường. Mặc dù việc tái chế tiêu tốn không ít thời gian và công sức nhưng ngân sách cho hoạt động này lại hoàn toàn xứng đáng với hiệu quả mà nó mang lại.
Lazarus là một tòa nhà thương mại với tuổi đời hơn 100 năm tại Downtowm Columbus, Ohio, Mỹ. Năm 2004, nó đã tạm ngừng hoạt động để cải tạo và chính thức hoạt động trở lại 4 năm sau đó. Tổng chi phí dùng cho việc tu sửa và chuyển đổi tòa nhà thành trung tâm phức hợp bán lẻ và văn phòng lên đến 60 triệu đô la. Trong quá trình thực hiện, các công nhân đã tái sử dụng hơn 2000 kg thép, 907 kg bê tông và một lượng lớn thảm, gạch trần cùng nhiều thanh gỗ, giúp tiết kiệm hơn 25 triệu đô chi phí cho vật liệu xây dựng.

Lĩnh vực xây dựng tiêu tốn đến hơn 1/3 tổng nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới, đồng thời cũng tạo ra khối lượng chất thải khổng lồ khi các tòa nhà bị phá hủy. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi vấn đề khủng hoảng năng lượng trở thành áp lực đối với nhiều quốc gia, việc phân loại và tái sử dụng vật liệu cũ là vô cùng cần thiết. Thay vì xây mới, các kiến trúc sư đã nảy ra ý tưởng về các tòa nhà được xây dựng theo hình thức lắp ráp để có thể dễ dàng tháo rời, phân loại, vận chuyển và xử lý.
Khác với một số hạng mục như cửa sổ hoặc tủ bếp, vốn chỉ có thể thu hồi và xử lý cơ bản để tái sử dụng lại, nhiều loại vật liệu muốn phục hồi trạng thái ban đầu và dùng cho nhiều mục đích khác nhau cần phải trải qua một quá trình vô cùng phức tạp, gồm nhiều công đoạn khác nhau. Thép, thủy tinh, thạch cao đều các dòng vật liệu có khả năng tái chế cao.

Mặc dù tiêu tốn nhiều thời gian hơn, nhưng việc tái chế có thể mang đến hiệu quả cao hơn về mặt chi phí so với việc di chuyển và xử lý vật liệu từ quá trình phá dỡ. So với 140 đô la cho mỗi tấn bê tông bị chôn lấp, các nhà thầu chỉ mất vỏn vẹn 21 đô la để tái sử dụng loại vật liệu này. Tương tự với vách thạch cao, kính và thép, chủ đầu tư có thể tiết kiệm hàng nghìn đô la tùy theo quy mô dự án nhờ phương án tái chế thông minh này. Cục Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (EPA) đã phát triển 1 công cụ đo lường tính khả thi và giá trị của vật liệu tái chế nhằm tối đa hóa lợi nhuận tiềm năng.
Xem mẫu công cụ ước tính tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng

Việc xử lý đúng cách và biến chất thải xây dựng trở thành nguồn tài nguyên phục vụ cho nhiều mục đích sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và chi phí cho dự án tổng thể. Hiện tại, các kiến trúc sư vẫn đang tiếp tục cải tiến và hoàn thiện quy trình tái chế đạt chuẩn, hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng được ứng dụng rộng rãi trong ngành xây dựng trong một tương lai không xa.